Lịch sử
Lịch sử hình thành vùng đất Tuyên Bình:
Theo các nhà địa chất, vùng Đồng Tháp Mười nói chung và Tuyên Bình nói riêng từ thời rất xa xưa là một vịnh biển ăn sâu vào đất liền. Khoảng 6000 năm cách ngày nay, do sự tác động của hiện tượng biển thoái, vịnh biển này dần dần được bồi lấp bởi phù sa trầm tích của sông Tiền, sông Vàm Cỏ Động và Vàm Cỏ Tây. Quá trình bồi lấp suốt mấy ngàn năm của phù sa các con sông này đã tạo nên vùng đất Đồng Tháp Mười ngày nay, trong đó có đất Tuyên Bình.
Từ trên cao nhìn xuống vùng Đồng Tháp Mười, ngoài bồn trũng ta thấy rải rác có những gò đất cao, những đường nước nhỏ ngoằn ngoèo và những con lung sình lầy. Nói chung, cảnh quan bồn trũng là cảnh quan chiếm diện tích lớn nhất ở Đồng Tháp Mười với thành phần chủ yếu là đất phèn.
Khi người Việt chưa đặt chân đến, Đồng Tháp Mười là một cánh đồng mênh mông bát ngát, lau sậy giăng giăng, đưng đế bạt ngàn. Một cánh đồng sình lầy mênh mông, bát ngát, đất rộng người thưa, chằng chịt kênh rạch, tưởng chừng như con người đặt chân đến thì gặp ngay rắn rết, thuồng luồng, gây cho con người ấn tượng mông lung sợ hãi. Thật vậy, quá trình cư dân Việt đến Đồng Tháp Mười cũng như công cuộc khẩn hoang hiện đại diễn ra rất gần đây chừng vài ba thế kỷ nay, tuy nhiên sẽ rất sai lầm nếu có người nghĩ rằng trong suốt quá trình trước đó Đồng Tháp Mười vắng mặt con người. Người đến đây gọi là lâu đời cũng không còn nhớ rõ
ông bà vào khai cơ lập nghiệp đến mình là mấy đời. Ai đó quan tâm hơn thì lần giở sử sách và được biết thêm là ông bà từ miền Thuận Quảng vào đây cày sâu, cuốc bẩm, đào ao, vực nền tạo dựng sự nghiệp từ thời chúa Nguyễn đến nay chừng dưới ba trăm năm; lại có người thấy viên gạch nền nhà, cây cột thì cho đó là của người bản địa xưa, gặp hòn đá tròn thì gọi đó là đá Ông Tà, gặp bình lọ bằng đất nung thì đập vỡ ra để tìm vàng. Đó đây ai đi làm đồng gặp được mảnh vàng thì không lâu sau đó, xóm làng xáo động rồi không ít người bỏ cả công việc lao vào đào bới và cuối cùng tiếng đồn lan xa, dân thập phương tìm đến, làm xáo trộn cả cảnh sinh hoạt thanh bình của quê hương Đồng Tháp Mười. Rồi những kẻ gian manh lùng mua vật cổ, tượng đá với giá rẻ mạt bán đi các nơi, bán ra nước ngoài. Những bậc cao kiến hơn thì tìm đọc các tài liệu liên quan, đánh giá được tính chất văn hóa lịch sử của chúng cực kỳ to lớn, nhưng cũng không sao khẳng định được giá trị chính xác của chúng đối với việc nghiên cứu lịch sử toàn diện của đất nước, của khu vực rộng lớn hơn là vùng Đông Nam Á, và của địa phương mang tính chất nhỏ hẹp hơn. Tuy nhiên, cũng nhờ đó mà họ biết được rằng thời xa xưa vùng đất này đã là địa bàn cư trú của người tiền sử với những chiếc rìu đá, rìu đồng, những mảnh gốm thô, gốm mịn... Đó là di tích của người tiền sử cách ngày nay chừng 4000 năm và thời sơ sử của một đất nước Phù Nam từng có tên trong lịch sử ở vào khoảng thế kỷ 6 đầu Công nguyên mà đời sống đã khá văn minh, kinh tế phát triển với nền nông nghiệp trồng lúa, nghề thủ công tinh xảo và thương nghiệp mở rộng với thế giới bên
ngoài. Khảo cổ học dựa vào các di vật phát hiện trong các cuộc khai quật làm cơ sở để từ đó lý giải những vấn đề lịch sử xã hội lúc bấy giờ. Đồng Tháp Mười là vùng đất giàu có các di tích thời tiền sử và thời Óc Eo của nước Phù Nam cổ. Những di tồn vật chất của hai giai đoạn văn hóa này được biết đến từ những thập niên đầu của thế kỷ XX. Riêng trên vùng Đồng Tháp Mười, dọc theo bờ phải sông Vàm Cỏ Tây nhiều di tích thuộc thời tiền sử đã được phát hiện như Gò Ô Chùa (Hưng Điền A), Lò Gạch, Gò Đình (Vĩnh Trị) Gò Chùa Nổi (Tuyên Bình), Rạch Rừng (Tân Lập)...
Tuyên Bình có Gò Chùa Nổi hay Cổ Sơn Tự, nằm sát bên bờ phải sông Vàm Cỏ Tây, có dạng hình tròn, đường kính tối đa khoảng 100m, cao khoảng 3,5m so với mặt ruộng xung quanh, trên đỉnh gò có 1 ngôi chùa Cổ Sơn Tự rất đẹp, trông ra sông. Di tích này được Nishimura Masanari, học giả Nhật khai quật lần đầu tiên năm 1996 với tổng diện tích hai hố đào dưới 15 m”, đã làm xuất lộ lớp di tồn vật chất do người xưa để lại, còn gọi là tầng văn hóa dày khoảng hơn 1m với một khối lượng lớn di vật bên trong. Trong số di vật ấy, đồ gốm chiếm khối lượng nhiều nhất. Đồ gốm bao gồm nhiều loại đồ đựng còn tương đối nguyên hoặc có thể phục nguyên. Chúng gồm nhiều loại hình khác nhau như nồi, chum nhỏ, bình đáy tròn, tô, chậu, mâm bồng, vung.. ngoài ra còn có hàng ngàn mảnh vỡ, mảnh đất nung, cà ràng... Gốm Gò Ô Chùa có độ nung cao, mặt được phủ áo lấy từ sét trắng, được miết láng và tô đỏ.
Nhìn chung tổng thể gốm Gò Ô Chùa mang sắc thái riêng biệt, chưa bắt gặp ở những địa điểm đã biết.
Ngoài đồ gốm còn có công cụ bằng xương như rìu bông đục, khuôn đúc đồng bằng đất nung cũng được tìm thấy. Điều thú vị là di tích này có niên đại cách nay khoảng 3.500 năm nhưng tìm thấy rất nhiều vỏ trấu trong đồ gốm và nhiều dấu tích của những mảnh chiếu đan bằng lá và dọi xe chỉ để dệt vải. Điều đó chứng tỏ rằng từ thời xa xưa chủ nhân của vùng đất này đã biết trồng lúa, dệt chiếu và kể cả dệt vải.
Quy mô rộng lớn và tầng văn hóa khá dày của di chỉ khảo cổ học Cổ Sơn Tự cũng như những di chỉ khác ở Đồng Tháp Mười cho biết cộng đồng cư dân ở đây phát triển trong một thời gian khá dài, khá liên tục và vững chắc. Đời sống của họ ngày càng trở nên phong phú, tinh tế và cuối cùng phát triển hơn rất nhiều so với thuở ban đầu (qua diễn biến của gốm, tầng văn hóa và tăng tục...). Những sản phẩm đồng đã xuất hiện. Nồi nấu kim loại và khuôn đúc đã được phát hiện trong tầng văn hóa. Vào cuối giai đoạn này, kỹ thuật đã được phát triển hơn nữa. Nghề dệt ở đây rất được coi trọng, thể hiện qua khối lượng lớn dọi xe chỉ đã thu thập được. Dấu vết của nghề dệt chiếu để lại trên rất nhiều đồ gốm, chứng tỏ người thợ ở đây đã sản xuất được các loại chiếu đẹp, chất lượng cao. Lúa gạo đã trở thành nguồn lương thực chủ yếu. Di chỉ Gò Chùa Nổi được cộng đồng cư dân cổ lựa chọn gần nguồn nước nhưng có thế đất hơi cao để thoát khỏi lũ lụt. Súc vật được thuần dưỡng như heo, chó, trâu còn để di cốt khá phổ biến. Rất nhiều những vỏ trấu, hạt lúa được tìm thấy trong xương gốm, cho biết rằng lúa đã được canh tác một cách đầy đủ và đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Khối lượng lớn các hiện vật được sản xuất với mục đích trao đổi nói lên cộng đồng cư dân cổ ở đây đã có tiếp xúc, trao đổi mạnh mẽ với những trung tâm buôn bán lớn trong khu vực thuở ấy. Trên cơ sở nền kinh tế khá phát triển và phân công lao động chuyên hóa, vào giai đoạn cuối, họ đã tiếp nhận những ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài mà những di vật chứng tỏ mối giao lưu ấy có thể được tìm thấy phổ biến ở giai đoạn sau.
Điều đó chứng tỏ cư dân bản địa ở đây đã có cơ tầng xã hội ổn định đủ để tiếp thu những ảnh hưởng từ bên ngoài tạo dựng một nền văn hóa Óc Eo rực rỡ ở giai đoạn sau.
Thật vậy, trên vùng Đồng Tháp Mười nhiều di tích văn hóa Óc Eo đã được phát hiện và khai quật. Ví dụ như Gò Năm Chiêm, Gò Móp Xu, Gò Tháp... là các quần thể kiến trúc, đền đài được nhiều nhà khảo cổ học của trường Viễn Đông bác cổ Pháp khai quật nghiên cứu. Di tích Gò Hàng (Vĩnh Đại), Gò Dung, Gò Đế (Tuyên Thạnh), Gò Vĩnh Châu A... là những di tích cư trú lớn thuộc thời Óc Eo đã được nghiên cứu. Tại địa điểm Gò Hàng, vào những năm 1985, 1986, hàng ngày có hàng ngàn người đến đào đãi vàng. Điều đó cho thấy di tích này có một khối lượng lớn vàng bạc, các hiện vật, kim loại quý. Kết quả nghiên cứu cho biết đây là di chỉ cư trú - với những đường nước cổ giao thương với thế giới bên ngoài. Tại đây con người cổ xưa đã cư trú tập trung, bên cạnh sản xuất nông nghiệp, họ còn làm các nghề thủ công như chế tác gốm, kim loại quý... thể hiện qua nhiều hiện vật thu thập được như đồ gốm thô, gốm mịn; hạt chuỗi nhiều loại, đá quý nhiều màu sắc, đồ trang sức bằng đồng, chì, vàng; đồng tiền. Vòng tay, khuyên tai bằng thủy tinh, lục lạc bằng đồng, xương răng động vật... Mật độ di tích dày đặc với khối lượng hiện vật phong phú trên vùng Đồng Tháp Mười nói lên rằng: nơi đây từng một thời là chốn tụ cư, là nơi đô hội mà chủ nhân thực sự của nó là cư dân Đồng Tháp Mười cổ xưa. Các ngành nghề của cư dân vào thời đó đã phát triển rất mạnh, rất tinh xảo và không ngừng được mở rộng. Đó là các nghề làm gạch, đặc biệt nghề xây dựng đã phát triển vượt bậc: không chỉ các ngôi đền, các kiến trúc được dựng lên rất nhiều mà kết cấu, kiểu dáng kiến trúc ngày càng thêm phức tạp. Nghề kim hoàn đã trở nên tinh xảo. Trong các hiện vật vàng và kim loại quý thu thập được, có thể nhận ra khá đầy đủ các loại kỹ thuật chế tác
từ đơn giản đến phức tạp như các kỹ thuật dát mỏng, miết láng, cắt tỉa, chạm khắc, dập in, nạm đá quý... Nhiều đồ trang sức đẹp bằng đá quý được làm ra như các hình hoa nhiều cánh, bông tai hình rắn, trang sức đầu hình cánh hoa nạm hồng ngọc.. mà nổi bật nhất là hình các động vật được khắc trên các mảnh vàng. Ở đây, chỉ với đường nét đơn giản, nhưng người thợ vẽ đã thể hiện sinh động nhiều tư thế khác nhau những động vật quen thuộc như voi, sư tử mà vẫn lột tả được thần thái đường bệ, bản tính tự nhiên của chúng. Hoạt động kinh tế của cư dân vùng Đồng Tháp Mười vào thời này đã có sự chuyên môn hóa sản xuất và phân công lao động ở một mức độ nhất định, bao gồm các ngành nghề phục vụ cho đời sống dân dã hằng ngày và cả các ngành nghề phục vụ đời sống tinh thần nhưnghề chế tác đồ trang sức, xây dựng đền đài... như đã nêu trên.
Hiện tại, di tích Gò Chùa Nổi thuộc địa phận ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Tọa độ địa lý 10°49'46" vĩ độ Bắc, 105°52'14" kinh độ Đông, nằm sát hữu ngạn sông Vàm Cỏ Tây và cách thị trấn Vĩnh Hưng 9 km về phía Đông Nam. Đây là một thắng cảnh của vùng Đồng Tháp Mười với quang cảnh thiên nhiên xinh đẹp còn lưu giữ được qua hàng ngàn năm và là điểm sinh hoạt văn hóa được đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh thăm viếng - nhất là trong các ngày lễ lớn của Phật giáo. Sau khi vương quốc Phù Nam và nền văn hóa Óc Eo bị tàn lụi thì vùng Đồng Tháp Mười (trong đó có đất Tuyên Bình sau này) trở nên hoang vu suốt một thời gian dài. Những di tích văn hóa trước đó bị chìm sâu trong lòng đất. Đến thế kỷ XVIII, các nhóm lưu dân người Việt đầu tiên đặt chân đến đây là những người nông dân nghèo bị bần cùng hóa bởi ách bóc lột của bọn địa chủ phong kiến và cuộc chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn kéo dài suốt mấy mươi năm phải rời bỏ nơi chôn nhau, cắt rún tìm đến một chân trời mới. Họ cũng có thể là những anh hùng thất thế, những tội phạm triều đình hoặc những người trốn xâu, lậu thuế bị quan binh truy nã nên phải trôi dạt đến nơi này. Nơi hẻo lánh xa xôi, đồng hoang cỏ dại ít khi có người lai vãng như Đồng Tháp Mười là nơi cư trú lý tưởng đối với họ. Đất đai nơi đây đa số là đất phèn, khó canh tác, nếu có khai khẩn vài khoảnh đất để cấy trồng thì đến mùa chim, chuột cũng phá hết nên ban đầu những người lưu dân này chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, hái lượm lúa trời và thu hoạch bàng làm đệm để bán.
Cuộc sống dựa vào nguồn lợi khai thác từ tự nhiên như thế không thể bảo đảm cho một cộng đồng đông đảo nên mặc dù từ thế kỷ XVIII vùng Đồng Tháp Mười đã có cư dân người Việt sinh sống nhưng cho đến giữa thế kỷ XIX vùng này vẫn chưa được khai phá nhiều. Những thế hệ cư dân đầu tiên đến Tuyên Bình ngày nay đã sống trong một vùng đất còn hoang sơ, thưa vắng dấu chân người. Hàng năm, khoảng tháng 6 âm lịch, vùng đất này bị ngập chìm trong biển nước. Cuối tháng 10 âm lịch, nước rút dần để lại những cỏ cây ủng mục và những vũng nước đọng rải rác. Trong vùng hầu như không có đường giao thông. Muốn đi bộ phải len lỏi theo các vệt lau sậy hoặc băng qua những đám tràm mênh mông, dài hàng cây số. Bên trên thì ong, muỗi, bù mắt lấy tay vuốt không kịp, bên dưới thì đỉa, vắt, rắn rít lềnh khênh. Ánh nắng như thiêu đốt, mùi sình bùn, cỏ mục xông lên nồng nặc, làm cho không khí vô cùng oi bức. Những ai không quen sẽ bị nhiễm bệnh, kiệt sức. Các loài động vật hoang dã ở vùng này cũng rất nhiều Trong ký ức của các bậc bô lão, những câu chuyện về ông bà xưa đã chiến đấu chống lại voi, hổ, heo rừng, cá sấu, rắn độc.. diễn ra hết sức sinh động. Thiên nhiên hoang dã ở Tuyên Bình đã được phản ánh qua một số địa danh dân gian mà những người khẩn hoang thời kỳ đầu đã đặt ra như: Vàm Phất Tức: chỉ một vàm nước rất trong và ngọt, cách gò Chùa Nổi vài kilomét, thuộc xã Tuyên Bình. Tương truyền, đây là nơi ngày xưa người Khơme dừng lại để uống nước nên họ gọi nơi đây là vàm Phất - Tức (uống nước). Rạch Đầu Sấu: tọa lạc tại ấp Đầu Sấu. Một số người già kể lại rằng ngày xưa con rạch này có rất nhiều cá sấu. Vài chục năm gần đây, một số ngư dân trong quá trình chài, lưới còn gặp cả nhiều sọ đầu cá sấu. Vì thế, con rạch này được đặt tên là rạch Đầu Sấu. Cũng nơi đây, vào năm 1972 đã diễn ra những trận đánh tàu tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Rạch Cá Trê: nằm ở ấp Đầu Sấu. Theo lời kể của những người lớn tuổi, con rạch này ngày xưa có rất nhiều cá trê sinh sống. Trong chiến tranh, nơi đây từng diễn ra những trận đánh vang dội.
Doi Khỉ Ngủ: thuộc ấp Cả Cóc, theo những người già kể lại, ngày xưa tại khu đất này có rất nhiều khỉ nên gọi là Doi Khỉ Ngủ. Cho đến đầu thế kỷ XIX, tuy đã có người đến khai phá nhưng vì chưa đủ số dân, nên thôn Tuyên Bình chưa thành lập và chưa có tên trên bản đồ. Năm 1838, vùng đất này thuộc phủ Tây Ninh (gồm hai huyện: Tân Ninh và Quang Hóa với 7 tổng, 56 thôn). Trong các tên tổng ghi lại trong Đại Nam Nhất Thống Chí chưa có
tên tổng Mộc Hóa.
Ngày 12-7-1863, thực dân Pháp nâng huyện Quang Hóa lên thành hạt, đặt lỵ sở tại Trảng Bàng, chia ra 4 tổng: tổng Mỹ Ninh, tổng Giai Hóa, tổng Hàm Ninh Hạ, tổng Mộc Hóa. Lúc này, tổng Mộc Hóa có 6 xã thôn, chưa có thôn Tuyên Bình. Ngày 1-12-1877, thôn Tuyên Bình chính thức thành lập, trực thuộc tổng Mộc Hóa, hạt Tân An.
Cuối năm 1899, thực dân Pháp bãi bỏ các hạt tham biện và thành lập các tỉnh. Tuyên Bình bấy giờ là 1 trong 21 thôn thuộc tổng Mộc Hóa, tỉnh Tân An. Năm 1916, tổng Mộc Hóa được nâng lên thành quận, trực thuộc tỉnh Tân An. Năm 1951, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ ra quyết định cắt 3 xã phía tây của Thủ Thừa và 7 xã của tỉnh Đồng Tháp nhập với quận Mộc Hóa thành lập tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh này tồn tại 16 tháng. Mộc Hóa lại tách ra thành 1 huyện của tỉnh Mỹ Tho (gồm Tân An, Mỹ Tho, Gò Công). Sau Hiệp định Giơnevơ (7-1954), nguỵ quyền Sài Gòn tỉnh Tân An. khôi phục lại tỉnh Tân An, Mộc Hóa trở thành một quận của Ngày 17-2-1956, Ngô Đình Diệm ra sắc lệnh (SL số 21/NV) tách Mộc Hóa ra khỏi tỉnh Tân An, lập thành tỉnh mới lấy tên gọi là tỉnh Mộc Hóa.
Ngày2-10-1956, Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh (SL số 143/NV) đổi tỉnh Mộc Hóa thành tỉnh Kiến Tường. Lúc bấy giờ, xã Tuyên Bình thuộc tổng Tuyên Bình Hạ, quận Tuyên Bình, tỉnh Kiến Tường. Về phía cách mạng, tháng 7-1957, ta tách Mộc Hóa ra khỏi tỉnh Tân An, lập thành tỉnh Kiến Tường nhưng không chia thành quận như địch mà chia theo vùng. Quận Tuyên Bình (theo địch) tương ứng với Vùng 8 của ta. Theo đó, xã Tuyên Bình thuộc Vùng 8 tỉnh Kiến Tường. Ngày 3-3-1976, theo quyết định của Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tỉnh Long An mới được thành lập, bao gồm: phần đất tỉnh Long An cũ (1) một phần đất thuộc tỉnh Hậu Nghĩa và cả Kiến Tường. Từ đây Kiến Tường trở thành huyện Mộc Hóa, thuộc tỉnh Long An. Ngày 30-3-1978, cũng theo quyết định của Nhà nước, phần đất phía Tây Bắc huyện Mộc Hóa được cắt ra lập thành huyện mới Vĩnh Hưng. Lúc bấy giờ, xã Tuyên Bình là 1 trong 11 xã của huyện Vĩnh Hưng. Năm 1988, xã Tuyên Bình được tách làm hai là Tuyên Bình và Tuyên Bình Tây.